Yugi-oh (YGO) được biết đến tại Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1998 thông qua bộ truyện tranh “Vua Trò Chơi” được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành. Bộ truyện tranh đã giới thiệu đến bạn đọc nhiều trò chơi sáng tạo và mang tính đột phá vào thời điểm đó. Trong đó, nổi bật nhất là “trò chơi bài ma thuật” (tên gọi trong truyện tranh), với cách thức chơi hoàn toàn mới lạ đối với các bạn trẻ, nhanh chóng tạo nên một cơn sốt vào thời điểm đó. Đánh trúng thị hiếu, một loạt các sản phẩm ăn theo bộ truyện tranh liên tục xuất hiện trên thị trường trò chơi, giải trí ở Việt Nam. Trên hệ máy game PlayStation có “Yu-Gi-Oh! Forbidden Memories” rất phổ biến tại các quán game. Thị trường đồ chơi cũng không kém cạnh khi bày bán các quân bài bằng giấy y như trong truyện, do Trung Quốc sản xuất. Liên tiếp những sản phẩm ăn theo bộ truyện xuất hiện, càng làm hiệu ứng của cơn sốt Yugi-Oh tăng theo cấp số nhân. – Tuy nhiên việc phát triển quá nhanh chóng của một trò chơi mới mà chưa có định hướng cụ thể đã mang lại nhiều khiếm khuyết đáng tiếc. Việc say mê quá mức của một bộ phận người chơi mà đa phần là học sinh, sinh viên đã làm cho các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng, dẫn đến hiểu lầm đầy tai hại. Đỉnh điểm của việc hiểu lầm này là Yugi-Oh bị gán ghép với nạn cờ bạc. Hậu quả là bộ truyện phải ngừng xuất bản, dĩ nhiên cơn sốt nhất thời dành cho trò chơi theo đó cũng nguội dần, chưa thể “cá chép hóa rồng”, trở thành một phong trào rộng lớn và lành mạnh được. Tuy vậy Yugi-Oh cũng đã chính thức xuất hiện và âm thầm phát triển từ đây.


Sự trở lại của “hoàng tử” bị lãng quên – Bẵng đi một thời gian, YGO trở lại Việt Nam nhưng với một hình ảnh mới và hấp dẫn hơn. Dòng game Yu-Gi-Oh! Power of Chaos với ba phiên bản: Yugi the Destiny, Kaiba the Revenge, Joey the Passion do Konami phát hành một lần nữa lại tạo nên sóng gió, nhờ vào ưu thế hình ảnh, lối chơi hợp lý, hấp dẫn. Đặc biệt, phiên bản thứ 3 là Joey the Passion đã tạo bước đột phá khi cho phép chơi qua mạng. Nhiều diễn đàn thảo luận về game Yugi-oh cũng vì thế liên tục được lập ra, trong đó nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là góc thảo luận “Yu-Gi-Oh!! FanClub” trên diễn đàn GameVN. Tại đây, những người có chung sở thích có thể giao lưu, bàn luận, đánh giá các quân bài và trên hết chính là chia sẻ niềm đam mê với nhau. – Đó quả là một thời kì đáng nhớ cho cộng đồng Yugi-Oh Việt Nam, đánh dấu giai đoạn đầu tiên khi phong trào chơi YGO chính thức xuất hiện. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, game điện tử dù gì cũng chỉ là ảo, mà một Trading Card Game (TCG) để mà chơi cho đúng “điệu” thì phải cầm những quân bài (card) thật trên tay để thi đấu. Chỉ khi đó, người chơi (duelist) mới có thể sống trong thế giới của game, mới tận hưởng được những trận đấu thật sự hấp dẫn nhất. Đó chính là điểm đặc sắc mà khi chơi trên điện tử không bao giờ có được. Mong muốn có được những cảm giác tuyệt vời đó, những duelist với niềm đam mê cháy bỏng đã tự tập hợp nhau lại để lập nên những hội Real Duel (chơi card thật) đầu tiên tại Việt Nam. Tuy số lượng cũng như quy mô của các hội còn nhỏ bé nhưng cũng mang đầy ý nghĩa, đánh dấu sự kiện cộng đồng Yugi-Oh Việt Nam chính thức thành lập.

BEB

Hành trình của đam mê – Do mới hình thành nên cộng đồng Yugi-Oh Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là bài toán tìm kiếm nguồn card, thành tố vô cùng quan trọng của YGO TCG. Điều đáng buồn là ở Việt Nam, card thật hoàn toàn không có bán. Để có được card thật, người chơi phải đặt mua qua mạng hoặc nhờ người thân mua từ nước ngoài mang về với giá cả rất đắt đỏ. Vì thế, những card thật ở đây trở nên vô cùng quý giá và được nâng niu trân trọng. Một nguồn card khác là card “nhái” do Trung Quốc sản xuất. Loại này dễ kiếm hơn và giá thành cũng rẻ hơn. Nó nghiễm nhiên trở thành lựa chọn tối ưu cho người chơi YGO TCG bấy giờ. Tuy nhiên nguồn hàng này không phải lúc nào cũng đầy đủ, chất lượng thì lại kém hơn card thật rất nhiều nên cũng chưa thật sự thỏa mãn người chơi. – Game thủ PNTTHP, một thành viên kỳ cựu của hội YGO Hà Nội đã tâm sự về khó khăn đó như sau: “Thời điểm đó tìm được nguồn card ổn định cho người chơi rất khó, card thật rất hiếm và chỉ dừng lại ở những Starter Deck cơ bản. Card giả từ Trung Quốc là lựa chọn khả dĩ nhưng đây cũng không phải là nguồn hàng ổn định và đầy đủ. Có những quân bài nhái rất hiếm, cả hội cũng chỉ có 1 đến 2 người có, thậm chí có người phải… tự in, tự vẽ card để có thể thỏa mãn niềm đam mê của mình. Nếu không tìm được hướng giải quyết hợp lí thì thật khó để YGO TCG phát triển tại Việt Nam. Bạn biết đấy, số lượng card của game hiện nay đã lên tới trên 3.000 và vẫn đang tiếp tục phát hành mới. Mỗi card lại có đặc điểm, công dụng riêng biệt nên tính chiến thuật và sáng tạo rất cao. Bạn có thể chơi theo phong cách tấn công tổng lực với những quân bài Monster (quái thú) mạnh mẽ nhưng cũng có thể chơi theo phong cách phòng thủ chặt – phản công nhanh, một đòn kết thúc trận đấu. Tất cả phụ thuộc vào suy nghĩ của từng người chơi! Qua đó, ta thấy thiếu thốn card đồng nghĩa với việc tính sáng tạo của người chơi bị hạn chế, dẫn đến nhàm chán”. – Cái khó ló cái khôn, các thành viên một mặt sử dụng card nhái và card tự in để luyện chiến thuật, một mặt tìm thay thế bằng Card thật khi có điều kiện. Người chơi thường xuyên trao đổi những card mình không dùng bổ sung cho người khác để hoàn thành bộ card. Hoạt động này không chỉ trong phạm vi cá nhân với nhau, mà thậm chí còn mở rộng trên toàn quốc. Những lần hội bài Hà Nội gửi bài giúp hội Hồ Chí Minh và ngược lại, những lần thành viên ở nước ngoài gửi card thật miễn phí về nước không những giúp thành viên tạm thời giải quyết được khó khăn về nguồn Card mà còn trở thành những kỷ niệm đẹp về tình đoàn kết của cộng đồng YGO Việt Nam.


Vấn đề khó khăn tiếp theo chính là luật chơi. Cách chơi Real Duel đồng nghĩa với việc người chơi phải tự xử lí các tình huống trong trận đấu mà không có sự trợ giúp của máy tính. Nếu người chơi không nắm chắc các quy tắc cũng như luật chơi thì lẽ tất nhiên, sẽ không nắm bắt được cái hay của trò chơi. Đây cũng là khó khăn chung của những ai chuyển từ chơi game điện tử sang Real Duel, bởi các game này có nhược điểm là không có sự cập nhật liên tục về luật chơi cũng như vẫn còn nhiều lỗi trong việc xử lý các tình huống. Để khắc phục, việc cả cộng đồng phải lao vào cùng nghiên cứu và tìm hiểu các tài liệu về luật chơi cơ bản để phổ biến cho mọi người là lẽ đương nhiên. Và cuối cùng, khó khăn này đã được giải quyết sau nhiều ngày “lăn lộn” trên các diễn đàn YGO TCG nước ngoài của những thành viên như Kaoru, Shindo, Podol, Rinoa, v.v. – Với niềm đam mê của mình, mọi thử thách đều có thể vượt qua, nhưng có một rào cản mà đến nay cộng đồng YGO Việt vẫn chưa vượt qua hoàn toàn được, đó là cách nhìn nhận còn hơi khắt khe của đại bộ phận các bậc phụ huynh, quy đồng YGO như một mầm mống của cờ bạc. Đứng trước những ý kiến này, thành viên Hikaru nêu ý kiến: “YGO TCG không chỉ là trò chơi dành cho trẻ em, nó là của tất cả mọi người. Trên thế giới, game đã được công nhận có tính chiến thuật cao. Nhiều giải đấu lớn đã được tổ chức thu hút được rất nhiều người tham gia. Tại các giải đấu này, bạn có thể thấy gương mặt của những đứa trẻ 10 tuổi nhưng cũng có thể tìm ra bóng dáng của những lão tướng U40. Thậm chí, một gia đình bốn người thì cả bốn đều tham gia thi đấu. Tôi yêu YGO không chỉ bởi nét đẹp trong từng quân bài, tính chiến thuật trong từng nước đi, cảm xúc sau mỗi trận đấu. Mà trên hết, tôi yêu YGO bởi nó giúp tôi có được tự tin và quyết đoán trong cuộc sống”. – Bàn về vấn đề này, thành viên LanhDienDiemLa – một cái tên nổi tiếng trong giới YGO Việt Nam phát biểu: “Quan trọng nhất là mình có đam mê, ngay từ đầu tôi đã có buổi nói chuyện nghiêm túc với bố mẹ mình và trình bày về YGO – niềm đam mê của tôi. Nó có những mặt tích cực chứ không hoàn toàn xấu như mọi người vẫn tưởng. Rất mừng là bố mẹ tôi cũng hiểu và hoàn toàn ủng hộ tôi theo đuổi YGO, miễn sao không làm ảnh hưởng đến việc học tập cũng như công việc chung của gia đình”. – Tuy nhiên không phải ai cũng có được may mắn như vậy, đã có rất nhiều người vì không vượt qua được rào cản gia đình mà đành phải ngậm ngùi từ bỏ niềm đam mê của mình. Những năm mới bắt đầu cũng là thời kỳ u ám nhất của cộng đồng. Không được thừa nhận, không có nơi sinh hoạt, mọi hoạt động dường như bị tê liệt. Ngay như ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 nơi có phong trào phát triển mạnh nhất cũng không tránh khỏi tình trạng số người chơi dần mất đi, chỉ còn lại một số trụ cột chính. Một người chơi kỳ cựu tâm sự: “Thời điểm đó thật sự là khoảng thời gian khó khăn, nếu không có niềm đam mê lớn thì có lẽ không thể trụ lại được”.


Nụ cười của “vị thần số mệnh” – Thiếu Card thì tự in, trao đổi cho nhau, luật chơi chưa rõ ràng thì tự mày mò nghiên cứu rồi chia sẻ, chưa có chỗ sinh hoạt thì tập trung tại nhà của một vài thành viên, tuy chật chội nhưng ấm cúng. Số lượng thành viên còn ít thì tích cực tham gia diễn đàn để một mặt thu hút thành viên mới, một mặt thay đổi cách nhìn của mọi người về game. Dù ít ỏi nhưng họ vẫn kiên trì theo đuổi niềm đam mê của mình. Và cuối cùng, cộng đồng YGO Việt cũng đạt được những thành tựu nhất định. Cái nhìn của mọi người đã không còn khắt khe như trước. Trên khắp cả nước, số người đến với YGO TCG ngày càng đông. Cộng đồng Yugi-Oh giờ đây không chỉ đơn lẻ, rải rác như trước mà đã tập hợp được một số lượng người chơi đông đảo. Đặc biệt tại Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều đã thành lập hội những người yêu thích và chơi YGO TCG (Duelist Association – DA). Những DA này hoạt động quy củ với mục tiêu và định hướng rõ ràng, được mô phỏng theo hoạt động của các câu lạc bộ nước ngoài với các mục chính như thảo luận chiến thuật, cập nhật luật thi đấu, trao đổi Card, tổ chức thi đấu giao lưu với số lượng thành viên thường xuyên giờ đây đã lên đến con số hàng chục. Đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh, DA ở đây đã hai lần phối hợp với ban tổ chức các lễ hội văn hóa về Nhật Bản, nhằm tổ chức giải đấu, quảng bá rộng rãi trò chơi đến với công chúng và đã mang lại những thành công ấn tượng. Ngoài việc quảng bá đã thu lại kết quả, hai hội Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng đã tìm được chỗ “trú chân” cho mình để sinh hoạt. Đó là quán Dice Cafe tại Giảng Võ và Zwind Cafe tại Phố Vọng cho Hà Nội và Hồ Chí Mình là lầu 4 quán Hương Chanh,106 Trần Đình Xu, Quận 1 với giờ hoạt động từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều các ngày Chủ Nhật. – Loạt bài ba kỳ về trò chơi YuGi-Oh xin được khép lại ở đây. Hy vọng với những thông tin chúng tôi cung cấp bạn đọc đã có thể hiểu thêm về một cộng đồng rất mới trong làng game Việt. Một trò chơi thoạt nhìn qua mang rất nhiều dáng dấp của sự tiêu cực, nhưng nếu nhìn nhận một cách đúng đắn thì hoàn toàn không phải vậy. Biết đâu, sau khi đọc xong loạt bài YGO này, có thể bạn sẽ là một duelist tiếp theo cũng nên, cùng góp tay phổ biến trò chơi rộng rãi tại Việt Nam và nhanh chóng ghi tên đất nước lên bản đồ YGO TCG thế
giới!

13

Cộng đồng Yugi-Oh tại Hà Nội Những người chơi Yugi-Oh đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội là vào những năm 2003-2004 tuy nhiên đa phần chỉ mang tính tự phát chứ chưa có một định hướng phát triển cụ thể. Ban đầu, họ chủ yếu hoạt động trên diễn đàn về Yugi-Oh sau đó dần chuyển sang “Real Duel”, thảo luận tại tư gia của thành viên. Đến ngày 1/1/2007, VNDA (Viet Nam Duelist Association) – Hội những người chơi Yugioh tại Hà Nội chính thức được thành lập. Trải qua gần 2 năm hoạt động, VNDA đã trở thành một trong hai hội lớn nhất Việt Nam với số lượng thành viên vượt quá 50 người trong đó 30 là số lượng các thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt.

Cộng đồng Yugi-Oh tại thành phố Hồ Chí Minh
Đây là nơi mà YGO TCG xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam, đó là vào những năm 2002-2003. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, cộng đồng tại đây hoạt động cầm chừng như vậy cho đến 17/12/2006, hội bài Yugi-Oh đầu tiên tại được thành lập và đến tháng 3/2008, đổi tên thành Hồ Chí Minh Duelist Association (viết tắt là HDA). Tính đến nay, lượng thành viên tham gia HDA được coi là đông nhất Việt Nam với số thành viên thường xuyên không dưới con số 20. Phương châm phát triển của HDA là: “Chiến thuật là quan trọng nhất”, vì vậy các hoạt động chủ yếu của hội bao gồm thảo luận chiến thuật, làm các bài kiểm tra về luật cùng thi đấu cá nhân và thi đấu theo đội nhóm. Đặc biệt, trong hai năm liên tiếp 2007 và 2008, HDA đã hân hạnh được mời tham dự lễ hội Sando và hội chợ Acctive Expo nhằm phụ trách mảng trò chơi văn hóa Nhật Bản và tổ chức hai giải thi đấu chính thức. Đây cũng là nơi duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này, YGO TCG được tổ chức với tư cách là một hoạt động xã hội chính thức.
 
yfm2.tk © 2016 All Rights Reserved. Shared by Duc Carter
Top